Ngày 27/09/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn
4833/BTTTT- CVT về việc định hướng chủ trương chung để triển khai kế hoạch và lộ trình dừng công nghệ di động 2G cũ trên toàn quốc. Ngày 03/01/2024, Cục Tần số vô tuyến điện đã ban hành Công văn số 11/CTS-CSQH về việc thông báo quy hoạch các băng tần 900/1800/2100 MHz.
Theo đó, lộ trình quy hoạch đối với băng tần 900 MHz (công nghệ 2G) khi giấy phép sử dụng băng tần hết hạn vào tháng 9/2024, cụ thể như sau:
Giai đoạn từ tháng 16/9/2024 đến 15/9/2026: Băng tần 900 MHz được xem xét cấp lại cho doanh nghiệp với công nghệ từ 3G (IMT-2000) trở lên, hệ thống sử dụng công nghệ 2G hiện có được tiếp tục sử dụng để duy trì dịch vụ thoại và tin nhắn cho người sử dụng thiết bị đầu cuối 3G, 4G non-VoLTE đến hết ngày 15/9/2026 (các thuê bao sử dụng máy điện thoại 2G không được sử dụng trên hệ thống 2G trên băng tần 900MHz, cũng có nghĩa là máy “cục gạch” chỉ sử dụng Sim 2G sẽ bị cắt sóng, không sử dụng được).
Sau ngày 15/9/2026, băng tần 900 MHz sẽ được thu hồi và áp dụng theo quy hoạch mới, doanh nghiệp được cấp phép trên băng tần này chỉ được sử dụng công nghệ từ 4G (IMT-Advanced) trở lên (Dừng hoàn toàn hệ thống di động 2G).
Sóng 2G là gì?
Ðể hiểu đơn giản, khái niệm mạng truyền sóng 2G gắn với hình ảnh chiếc điện thoại “cục gạch” phổ biến trong thập niên 90s, đáp ứng gọi thoại, nhắn tin, không hỗ trợ kết nối internet như các điện thoại 3G, 4G hay 5G hiện nay. Mạng 2G là thuật ngữ chỉ các hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 2 (Second Generation) được triển khai từ năm 1990, sử dụng công nghệ di động mặt đất GSM. Mạng 2G cho phép mã hóa tín hiệu các cuộc hội thoại dưới dạng kỹ thuật số, cung cấp các dịch vụ dữ liệu khác nhau cho điện thoại di động, cho phép nhiều người dùng hơn trên mỗi dài tần so với mạng 0G và 1G.
Tại sao phải tắt sóng 2G? Tắt sóng 2G đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới và đã chứng minh được các hiệu quả to lớn, như giúp tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, tối ưu chi phí vận hành và khai thác cho hệ thống mạng 4G; giúp các nhà mạng tăng hiệu quả kinh tế; giúp mạng 4G chạy nhanh hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân. Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Việt Nam chọn cách tắt sóng 2G để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Ảnh hưởng của việc tắt sóng 2G:
Việc tắt sóng 2G sẽ ảnh hưởng tới các thuê bao đang sử dụng thiết bị, điện thoại 2G của tất cả các nhà mạng. Khi sóng 2G bị tắt, các thuê bao đang sử dụng điện thoại 2G sẽ bị ngưng kết nối, không liên lạc được. Thiết bị 2G ở đây là các loại máy không hỗ trợ 3G/4G/5G hay còn gọi là máy điện thoại cơ bản (máy feature phone). Một cách dễ hiểu hơn, khi tắt sóng 2G, điện thoại “cục gạch” đời cũ hoặc không đúng quy chuẩn sẽ bị khai tử, người dùng bắt buộc phải chuyển sang sử dụng điện thoại di động có tích hợp mạng 4G/5G.
Những quốc gia nào đã tắt sóng 2G? Tính đến cuối năm 2022, 10 quốc gia đã tắt sóng 2G hoàn toàn. Tại Hàn Quốc, LG Uplus là nhà mạng cuối cùng tắt sóng 2G vào ngày 1/7/2021, theo sau các đối thủ SKT (tháng 7/2020) và KT (đầu năm 2012).
Theo TeleGeography, Châu Á – Thái Bình Dương và châu Ðại Dương đi đầu về đóng các mạng 2G cũ. Nước đầu tiên trên thế giới hoàn tất tắt sóng 2G là Nhật Bản, vào tháng 9/2012. Từ đó tới nay, các thị trường đáng chú ý khác làm điều tương tự bao gồm Macau (tháng 6/2015), Singapore (tháng 4/2017), Australia (tháng 6/2018).
Ngoài hai khu vực trên, nhiều nước khác cũng chuẩn bị đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên 2G. Rogers, nhà mạng di động lớn duy nhất hỗ trợ 2G của Canada, duy trì băng tần 850MHz cho cả mạng 2G GSM và 3G W-CDMA, tuy nhiên, 2G chỉ dùng hạn chế tại vùng sâu vùng xa, nơi mạng 3G chưa tiếp cận được.
Tại Thụy Sỹ, nhà mạng lớn thứ hai Sunrise bắt đầu tắt sóng 2G dần dần từ ngày 3/1/2023 ,sau khi tuyên bố lần đầu vào tháng 8/2022. Ðối thủ Salt và Swisscom đã hoàn thành tắt sóng 2G lần lượt vào tháng 12/2020 và tháng 4/2021.
Sau khi dự định đóng mạng 2G vào cuối năm 2022, nhà mạng Etisalat và Du của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất đang muốn đạt mục tiêu vào cuối năm nay. Theo cơ sở dữ liệu GlobalComms của TeleGeography, 89 quốc gia trên thế giới ghi nhận thuê bao 2G chiếm chưa tới 10% tổng số thuê bao. Ðến năm 2028, 172 quốc gia sẽ có ít nhất 90% thuê bao di động dùng mạng 3G, 4G hoặc 5G.
Công tác chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G:
Công nghệ di động thế hệ cũ 2G đã được triển khai tại Việt Nam gần 30 năm. Tuy nhiên, để thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử đến 2025, cũng như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, trở thành hạ tầng cho kinh tế số, xã hội số. Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp thúc đẩy phổ cập điện thoại di động thông minh tới mỗi người dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch dừng công nghệ di động thế hệ cũ 2G để tối ưu hóa mạng lưới, tiết kiệm chi phí vận hành và dành băng tần cho các công nghệ di động thế hệ mới. Mặt khác, để thúc đẩy việc chuyển đổi này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành thông tư quy định tất cả các máy điện thoại di động được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ 1-7-2021 phải được tích hợp công nghệ EUTRA (tức công nghệ 4G). Các điện thoại sử dụng công nghệ G không được nhập khẩu, sản xuất.
Chặn các máy 2G không hợp quy nhập mạng mới từ ngày 01/03/2024.
Căn cứ quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 35 Nghị định 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông quy định“Thiết bị đầu cuối, thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện, thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị điện, điện tử thuộc danh mục thiết bị viễn thông, thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện, thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị điện, điện tử có khả năng gây mất an toàn do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy hoặc công bố hợp quy đối với từng chủng loại thiết bị và sử dụng dấu hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường hoặc kết nối vào mạng viễn thông công cộng”.
Nhằm triển khai lộ trình dừng công nghệ 2G, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số; Bộ Thông tin Truyền thông thông báo và yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn kết nối vào mạng viễn thông di động: không cho phép các máy điện thoại di động mặt đất 2G không được chứng nhận hợp quy nhập kết nối vào mạng di động. Cụ thể:
Thời gian thực hiện: bắt đầu từ ngày 01/3/2024.
Doanh nghiệp di động không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc Danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) công bố, chi tiết tại link https://tqc.gov.vn/2g-only Các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm truyền thông rộng rãi việc triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn kết nối vào mạng viễn thông di động này tới khách hàng của mình; đồng thời, công bố các thông tin đầu mối giải quyết khiếu nại của khách hàng. Người dân có thắc mắc và khiếu nại về máy điện thoại 2G không được kết nối mạng có thể gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để được hỗ trợ, hướng dẫn.
Trong trường hợp cần sự phối hợp của Cục Viễn thông về các chủng loại máy điện thoại 2G Only được chứng nhận hợp quy, cần liên hệ với đầu mối của Cục Viễn thông: Ông Lê Hữu Đức -Trung tâm đo lường chất lượng viễn thông: 0236.3583223 – số máy lẻ 406, Email: lhduc@vnta.gov.vn; Ông Phạm Thanh Bình – Trung tâm đo lường chất lượng viễn thông: 024.39436608 – số máy lẻ 08001. Email: binhpt@vnta.gov.vn.
Nguồn: Cổng TTĐT Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn